>
Làm thế nào để nạn cướp giật giảm?

Làm thế nào để nạn cướp giật giảm?

Theo thông tin từ phó Giám đốc công an Tp.HCM thì trong tháng 11/2012, tội phạm có xu hướng tăng nhẹ, đặc biệt là cướp giật. Điều này đã làm cho vấn đề an ninh trật tự trên địa bàn thành phố ngày càng trở nên phức tạp.

 Trong kỳ họp thứ 7 Hội đồng nhân dân Tp.HCM, rất nhiều đại biểu cử tri quan ngại tình hình cướp giật dã man, những thủ đoạn tinh vi mà hiện nay cướp giật sử dụng. Hậu quả là có hàng loạt vụ cướp để lại biết bao tang thương cho người dân vô tội. Thế nhưng, lý do vì sao có nhiều người đi cướp giật như vậy và biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng tiêu cực trên thì chưa được kỳ hợp đưa ra hướng giải quyết cụ thể.

Cơ quan chức năng và cộng đồng nghĩ gì khi mà trong số đối tượng hình sự bị bắt trong các tháng gần đây thì 49% là thất nghiệp, hơn 50% có việc làm không ổn định. Trước đây khoảng 30% liên quan đến ma túy, gần đây lên tới 46%. Con số này đáng báo động, khiến cho không chỉ nhà nước mà cộng đồng xung quanh phải chung tay ngăn chặn, không để các tệ nạn này gia tăng thêm nữa.

Nạn cướp giật ngày càng táo tợn

Nạn cướp giật ngày càng táo tợn

Tình hình kinh tế khó khăn, các công ty vỡ nợ và phá sản kéo theo đó hàng loạt công nhân mất việc làm. Thời buổi khó khăn, người dân một khi không làm ra tiền, gánh nặng gia đình đặt trên vai họ thì họ làm liều là điều khó tránh khỏi. Với những người có sức khỏe thì kiếm việc khó, còn những người đã bị nhúng chàm, đã từng “vào tù ra khám”, khi cải tạo rồi thì càng khó tìm việc làm hơn.

Vì vậy mà có rất nhiều người khi đã cải tạo về rồi, được giáo dục rồi về vẫn “ngựa quen đường cũ”. Thử hỏi, không một ai đón nhận, không ai giới thiệu việc làm, không có tiền để mưu sinh thì họ dễ chọn con đường đi cướp. Bất cần đời, vậy là họ lại hút chích, nghiện ngập trở lại.

Phải chăng, chính sự kỳ thị, quan tâm chưa đúng mức của cộng đồng đã vô tình đẩy những con người lỗi lầm tìm đến con đường phạm pháp! Và khi họ phạm pháp rồi thì không chỉ đem lại bất hạnh, đau khổ cho bản thân mà còn cho cả xã hội. Thực tế đã có không biết bao người vô tình trở thành nạn nhân của những người phạm tội này. Có không ít vụ việc đau thương xảy ra và có không ít người trách tội phạm là “côn đồ”, là thế này thế nọ… thế nhưng nếu rơi vào hoàn cảnh đường cùng như những người này, một lần đặt bản thân vào hoàn cảnh người đi cướp thì chúng ta, những người may mắn sẽ hiểu được nổi khổ của người đi cướp. Nói ra đây không phải là để ủng hộ việc cướp nhưng cái hoàn cảnh éo le, thêm nữa không có điều kiện thì dễ đưa con người ta tìm đến con đường phạm tội.

Gia cảnh nghèo khó là một phần đẩy các em vào con đường phạm tội

Gia cảnh nghèo khó là một phần đẩy các em vào con đường phạm tội

Trên thực tế, ai cũng muốn có một mái ấm gia đình, muốn có việc làm, muốn trở thành người tốt, muốn được tôn trọng, có chỗ đứng trong xã hội chứ không ai muốn trở thành kẻ xấu xa làm gì. Vấn đề là hoàn cảnh xuất phát, môi trường sống của mỗi người khác nhau, khi không được quan tâm, giáo dục đến nơi đến chốn thì làm sao những người này có thể ý thức xây dựng cuộc sống cho được. Thế mới thấy, công tác xã hội của nước ta chưa được quan tâm đúng mực. Số lượng trẻ em nghèo, thất học vẫn còn, lớp học tình thương vẫn còn nhiều trên đất nước Việt Nam, thử hỏi làm sao mà các em nhỏ – những mầm xanh của đất nước phát triển an toàn cho được?

Để ngăn chặn tình hình cướp giật, ngoài việc tăng cường công tác quản lý, thì cơ quan chức năng nên quyết liệt với công tác phòng chống tội phạm. Nên quan tâm, chú trọng hơn nữa vào công tác phổ cập, sinh hoạt, giáo dục cho người vi phạm pháp luật, đặc biệt là tạo điều kiện, giới thiệu công ăn, việc làm khi họ rời lớp giáo dưỡng về nhà. Đó là tính chuyện trước mắt, còn về lâu dài, muốn triệt tận tệ nạn cướp giật thì nhà nước nên đầu tư sâu hơn, quan tâm hơn đến trẻ em – con em của những người phạm tội, để tránh tình trạng hậu duệ “kế nghiệp” ông cha. Để làm được điều đó, thiết nghĩ nhà nước, cơ quan chức năng quan tâm thôi chưa đủ mà cần đến sự chung tay của cả cộng đồng, doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ.

Nhà nước cần tạo điều kiện, giới thiệu công ăn, việc làm giúp đỡ người "lỡ bước" tái hòa nhập cộng đồng (Hình minh họa)

Nhà nước cần tạo điều kiện, giới thiệu công ăn, việc làm giúp đỡ người "lỡ bước" tái hòa nhập cộng đồng (Hình minh họa)

Vì nếu như các công ty sản xuất đồ thủ công, gia dụng chấp nhận chào đón những người từng “lầm đường” đến lao động thì phần nào đó giúp họ có công ăn việc làm, tạo điều kiện cho họ có thu nhập để xây dựng gia đình tốt hơn. Nếu như việc giáo dục người từng “lạc lối” giúp họ thay tâm, đổi tánh thì công ăn việc làm chính là cơ sở để họ làm lại cuộc đời, xây dựng gia đình ấm êm.

Nếu như cơ quan chức năng hiểu được lý do vì sao tội phạm tháng 11 tăng ngày càng nhiều và biết được nguyện vọng sâu thẩm của họ thì thiết nghĩ, việc hạ thấp % tội phạm cướp giật không gì là khó thực hiện!

Hải Dương

Share     |    
:
  •  
  •  Mr.Khanh: 0908 059 002
  •  toanviet.hcm@vissvn.com
  •  
cong ty bao ve, dich vu bao ve